Trang

Nhãn

Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

Lễ cúng giao thừa đầu năm (dangcongsan.vn/cpv)

                        
15:35 | 30/01/2014
(ĐCSVN) - Lễ cúng giao thừa được cử hành đúng thời khắc giao thừa, kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới. Cúng giao thừa là một nghi lễ thành kính và trang trọng.
Theo quan niệm dân gian, mỗi năm có một vị hành khiển trông coi việc nhân gian, hết năm vị thần năm cũ lại bàn giao công việc cho vị thần năm mới. Vì vậy, nên phải cúng giao thừa ở ngoài trời để tiễn đưa thần năm cũ và cúng ở trong nhà để đón rước thần năm mới. Tổng cộng một năm có 12 vị hành khiển và 12 phán quan (phán quan là vị thần giúp việc cho các vị hành khiển). Mỗi vị làm một năm dưới dương gian và cứ sau 12 năm thì lại có sự luân phiên trở lại.
Mâm lễ cúng giao thừa được sắp bày với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Cúng giao thừa trở thành một phong tục lưu truyền đến ngày nay. Tuy nhiên, phương thức cúng mỗi nơi mỗi khác.
 Mâm cúng giao thừa của người miền Bắc. Ảnh minh họa (VH)

Đối với người miền Bắc, lễ cúng Giao Thừa không thể thiếu gà luộc và xôi; gà cúng giao thừa thường phải là gà trống. Theo quan niệm từ ông cha để lại, vì giao thừa (trừ tịch) là đêm mà mặt trời ngủ sâu nhất, bởi thế nên các cụ ta thường hay cúng gà trống hơn là gà mái với hy vọng con gà sẽ cất cao tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy để cả năm được tràn ngập ánh sáng, mưa thuận gió hòa, con đường tiền tài, sức khỏe được rạng rỡ, sáng sủa. Những con gà trống vàng ươm, da bóng, sáng nằm yên vị trên mâm xôi thơm nức luôn hằn sâu trong tâm trí mỗi người Việt và nó trở thành một nét văn hóa tâm linh đẹp chẳng bao giờ phai.
Bên cạnh xôi, gà người Bắc cúng giao thừa cùng bánh chưng vuông, bánh chưng dài (nhiều nơi còn gọi là bánh tày, còn người miền Nam lại gọi là bánh tét) và cả hoa quả. Những loại quả chín, mọng còn tươi mới để bày tỏ lòng thành kính dâng lên thần linh, thổ địa, tổ tiên như táo, lê, cam, quýt, bưởi và chuối. Trong mâm cỗ cúng giao thừa ngoài Bắc, nhiều gia đình còn cúng quả trứng luộc, để chung với chút gạo mà muối và một bát cháo trắng.
Với người miền Trung, lễ cúng giao thừa được thực hiện với hương trầm ngào ngạt, không gian thờ phượng đoan nghiêm, mọi người trong gia đình đứng xếp hàng theo thứ tự trước án thờ dâng hương cúng giao thừa. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa thì trên bàn thờ luôn luôn được hương chong đèn rạng, nghi ngút trầm hương.
Mâm cỗ cúng giao thừa của người miền Trung cũng không thể thiếu gà, bánh chưng và bánh nếp. Có nhiều gia đình làm đơn giản hơn là mâm xôi và gà luộc cùng những chén rượu để tiễn năm cũ qua đi, bỏ lại sau lưng những gì không may mắn và đón những thời khắc đầu tiên của năm mới với hi vọng về sự may mắn và sung túc.
Với người dân phương Nam, nhất thiết phải chuẩn bị đủ một mâm ngũ quả gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hoặc thơm. Mâm ngũ quả được đặt trang trọng trên bàn thờ suốt ba ngày Tết. Thông thường, mỗi nhà còn chuẩn bị thêm một dĩa ngũ quả đặt trên bàn thiên, một bàn thờ ngoài trời thông dụng ở miền Tây Nam Bộ.
Thời khắc giao thừa, người miền Nam cúng ngoài sân và trong nhà. Lễ cúng đơn giản với đĩa ngũ quả, hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn.
Nói chung, ngoài ý nghĩa mang màu sắc tâm linh đẹp đẽ thì đêm giao thừa chính là thời điểm gia đình sum họp, cùng nhau kể chuyện đã qua trong một năm và hân hoan đón chào năm mới với những điều bất ngờ còn đang chờ đón ngoài cửa. Những món ăn trong mâm cỗ đều mang ý nghĩa riêng biệt, sâu sắc mà mỗi người Việt chúng ta, dù có đi đâu vẫn luôn ghi nhớ trong tâm mình./.
Các từ khóa theo tin:
Huy Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét