Trang

Nhãn

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Căng thẳng chính trị tại Bangkok đang leo thang (vietnam.ucanews.com/)

Thành phố đứng trước nguy cơ đóng cửa

Tags: 
January 10, 2014 
Linh mục Michael Kelly từ Bangkok, Thái Lan 
Căng thẳng chính trị tại Bangkok đang leo thang thumbnail
Linh mục Michael Kelly
Bangkok đang sôi sùng sục. Liệu nó có nổ? Trông nó ngày càng có khả năng xảy ra.
Các cuộc biểu tình và náo loạn làm Bangkok tê liệt trong nhiều tháng qua. Hầu hết các nhà quan sát thừa nhận không đoán được kết quả sẽ như thế nào, nhưng giờ đây đã có ngày xác định.
Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC), nhóm chính đứng đằng sau các cuộc biểu tình và lãnh đạo của nhóm này là Suthep Thaugsuban đã ấn định ngày 13-1 là ngày đóng cửa Bangkok nhằm ép Thủ tướng lâm thời Yingluck Shinawatra từ chức và ngăn chặn cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào tháng 2.
Theo Hiến pháp Thái Lan, để tổ chức một cuộc bầu cử, nhà vua sẽ cho giải tán quốc hội và ban hành sắc lệnh tiến hành bầu cử.

Vì thế cuộc bầu cử diễn ra theo ý nguyện của nhà vua là hợp pháp, nhưng đây lại là những gì người biểu tình muốn ngăn chặn. Sự bất trung đối với nhà vua như thế là một việc chưa từng có ở Thái Lan, mặc dù những người biểu tình khẳng định trung thành với nhà vua hơn chính quyền.
Họ đã ấn định thời hạn cuối cùng và đưa ra tối hậu thư nhiều lần trước đây. Nhưng lần này dường như họ quyết tâm đóng cửa thủ đô. Có tin đồn người ta sẽ dùng xe tải và xe buýt phong tỏa thành phố. Có thể sau đó sẽ xảy ra cảnh lộn xộn và bạo động.
Cảnh sát và quân đội đặc biệt không có mặt trong các cuộc biểu tình hồi tháng 11 và 12 năm ngoái, nên các đám đông có đến 150.000 người tập trung lên tiếng tố giác mà không bị giám sát và đôi khi còn kéo vào các tòa nhà chính phủ. Tuy nhiên, trong hai tuần qua các lãnh đạo quân đội bắt đầu thẳng thắn hơn, bày tỏ quan ngại của họ về tình trạng chia rẽ ngày càng lớn trong xã hội Thái Lan và vai trò của họ trong nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Nhiều vấn đề làm cho cuộc khủng hoảng kéo dài. Những người biểu tình chủ yếu phản ánh quan điểm của tầng lớp trung lưu và ưu tú của Bangkok, nhóm chính trị khẳng định trung thành với nhà vua nhất. Đảng Dân chủ của họ, vốn là phe đối lập chính, đã không thắng cử từ năm 1992.
Các đảng do Thaksin Shinawatra, thủ tướng bị truất phế năm 2006, và em gái ông là bà Yingluck đứng đầu đã thắng cử trong 5 đợt bầu cử vừa qua. Nhưng nhóm ưu tú Bangkok khẳng định chính quyền hiện nay là bất hợp pháp. Trên thực tế một bí mật mà ai cũng biết đó là ông Thaksin, hiện tự đi lưu đày ở Dubai, điều khiển chính quyền từ xa.
Ông Thaksin bị nhóm ưu tú Bangkok ghét và xem là cựu cảnh sát bần tiện thối nát, có quyền lực chính trị nhờ mua bằng tiền hối lộ từ số tài sản khổng lồ của ông; tài sản của ông tăng đáng kể trong thời gian ông nắm quyền.
Có lẽ sự kiện gây tức nước vỡ bờ là sự kiện diễn ra vào cuối năm ngoái, khi bà Yingluck cố ép quốc hội thông qua dự luật ban ân xá cho ông Thaksin được phép trở về Thái Lan và lấy lại số tài sản ông bị tịch thu. Chính vì thế mà người biểu tình kéo xuống đường nhiều hơn.
Việc này khiến bà Yingluck giải tán quốc hội và triệu tập bầu cử vào tháng 2, và đảng Pheu Thai của bà có nhiều khả năng thắng cử. Thực ra lần gần đây nhất đảng đối lập Dân chủ lên nắm quyền từ năm 2008-2011, nhưng không được bầu. Tòa án Thái Lan phế truất ông Thaksin và chính quyền của ông khỏi quốc hội và đảng Dân chủ thành lập chính quyền mà không phải thông qua bầu cử.
Do không muốn đảng Pheu Thai chiến thắng lần nữa, ông Suthep và những người phản đối đề nghị thành lập chính quyền quý tộc gồm những người tốt và xứng đáng để cải cách chính trị hoàn toàn trước khi tổ chức một cuộc bầu cử khác. Chính quyền này sẽ được chọn như thế nào, do ai chọn và trong bao lâu thì không rõ.
Trong khi đó, Bangkok là một thành phố phồn vinh có thị trường chứng khoán ổn định và sản lượng công nghiệp dồi dào. Vùng nông thôn Thái Lan cũng chứng kiến sự gia tăng về thịnh vượng, cơ hội giáo dục, dịch vụ y tế, công nghiệp và lợi nhuận từ ngành du lịch.
Hơn 80% dân Thái Lan sống ở vùng nông thôn và chính ở đó, đặc biệt là ở miền bắc, trong khi thế mạnh của đảng Dân chủ ở miền nam, thế lực của dòng tộc Shinawatra và liên minh chính trị của họ quá mạnh.
Chẳng hạn gạo là lương thực chính và là một trong các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Thái Lan, được chính phủ mua của nông dân ở giá bao cấp ổn định, bất kể giá gạo quốc tế là bao nhiêu. Chính sách này bị các tổ chức như IMF lên án là nguy hiểm và không khả thi. Nhưng nông dân hài lòng và luôn sẵn sàng bỏ phiếu cho các chính quyền ưu tiên trợ cấp cho họ giống như chính quyền của ông Thaksin và em gái ông.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, như từng xảy ra trước đây trong chính trị Thái Lan, có khả năng quân đội sẽ tham gia truất phế chính phủ lâm thời. Điều này có thể sẽ xảy ra trong những ngày tới.
Nếu cảnh hỗn loạn như thế không xảy ra, có khả năng sẽ xảy ra một cảnh khác. Các vụ quấy rối và biểu tình do giới đặc quyền Bangkok ủng hộ sẽ tiếp tục tiếp diễn cho đến khi ông Thaksin và gia đình ông bị hất cẳng.
Dù sao đi nữa, mặc dù hiện nay là mùa mát mẻ ở Thái Lan, tại Bangkok không khí sẽ nóng bức trong một thời gian.
Linh mục Michael Kelly là giám đốc điều hành của ucanews.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét