Thứ Năm, ngày 16 tháng 1 năm 20144nhận xét
Ngọn cờ chống tham nhũng, tiến hành chỉnh đốn Đảng được phất cao. Ban Nội Chính Trung Ương với nhân vật là Nguyễn Bá Thanh đang thu về những chiến tích. Nhưng một nhân vật dường như không chứng tỏ sự quan tâm của mình đến những chiến tích đó, lặng lẽ, chắc chắn ông đang chứng tỏ mình là một chính trị gia lão luyện.
Chiến tích của Ban Nội Chính
Dân gian thì vẫn không ngừng đồn thổi Chỉnh đốn Đảng kỳ thực là cuộc đại chiến Ba - Tư được đẩy lên một tầm cao mới với đủ cả luận thuyết và mối đe dọa của "nguy cơ tồn vong chế độ". Hình ảnh ông Nguyễn Bá Thanh bất ngờ nghé thăm các phiên tòa trở thành nỗi ám ảnh và những bất ngờ đột biến tại các phiên tòa xử đại án Tham nhũng, lừa đảo.
Không đương nhiên mà những người Chỉnh đốn Đảng chọn án vụ Vinaline với nhân vật Dương Chí Dũng làm hướng đột phá. Đây là mắt xích yếu nhất trong chuỗi xích của lợi ích nhóm, đột phá vào đây là đánh thẳng về hướng Hải Phòng. Án vụ mở ra án vụ: xét xử Dương Tự Trọng (người em của Dương Chí Dũng) vì tội tổ chức cho tội phạm Dương Chí Dũng chạy trốn ra nước ngoài.
Tất yếu sẽ liên đới đến "một ông anh" là quan chức cấp cao của Bộ Công An người đã mật báo cho Dương Chí Dũng chạy trốn.
Chủ động tạo ra dư luận, gây sức ép về mặt dư luận, đại kế rút ruột lợi ích nhóm đang được thực thi một cách khá hoàn hảo. Một sự tình cờ hay hữu ý nhân vật số 2 của Chính Đốn, ông Trương Tấn San - Đương kim Chủ tịch nước đã đến thăm và làm việc tại Bộ Công An nói một cách đầy ngụ ý rằng: "Đấu tranh với sai lầm càng tôn vinh Uy tín công An".
Cuộc đấu tranh này đang diễn ra trên cả hai mặt sự khuất lấp và công khai, người ta cũng không thể tính tới vai trò của sức ép dư luận mà "cái đầu" đã khiến "cái đuôi" - tức lời khai của Dương Chí Dũng tạo ra.
Vụ xét xử Bầu Kiên ACB bank được đẩy chậm lại bằng việc tòa gửi trả lại hồ sơ yêu cầu thẩm tra thêm, Ban Nội Chính tiến hành giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cùng một lúc những chân rết bên lực lượng công an bị chấn động, khối ngân hàng tài chính bị đưa vào vòng phong tỏa.
Chỉ có điều án vụ được xử bằng tư duy chính trị, thậm chí là những toan tính chính trị sẽ không thể nào vượt lên được một nền tư pháp độc lập. Khi Chỉnh đốn Đảng chỉ biết gắn với tồn vong chế độ mà chưa (không) gắn với quyền lợi người dân - hay sự phát triển của quốc gia dân tộc thì bóng hình của cuộc đấu tranh giữa lợi ích nhóm lớn với lợi ích nhóm nhỏ vẫn phản phất đâu đây.
Tham nhũng chính trị rồi sẽ đẻ ra các đại án tham nhũng kinh tế!
Một chính trị gia lão luyện
Về phần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hình như ông không có vai trò lớn trong những sự vụ như vậy. Và nếu quả thật những đồn thổi trong dân gian là đúng, thì như lực lượng của ông đang chịu những tổn thất nặng nề. Nhưng trong sóng gió, ông chứng tỏ mình là một chính trị gia lão luyện.
Sức ép từ Bộ Chính Trị, thậm chí triệu tập họp cả Ban Chấp hành TU Đảng cũng không thể kỷ luật nổi nhân vật "đồng chí X". Thế vào đó là những hình bóng nhạt nhòa yếu thế khi Chủ tịch nước Trương Tấn San chỉ dám nói rằng: "đồng chí X xì đó, không phải là không có lỗi", còn Tổng Bí thư sau phút nghẹn ngào cũng chỉ bóng gió xa xôi rằng "Bên ấy".
Hai nhân vật Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ rất được kỳ vọng lại trượt khỏi chiếc ghế BCT, thay thế vào đó là những nhân vật mới nổi như bà Kim Ngân, và ông Nguyễn Thiện Nhân. Trung ương chỉ biết ngậm ngùi than thở về sự "không hài lòng" của mình. Người ta cũng không thể không tính đếm đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - một ngôi sao mới vụt lên trên bầu trời chính trị Việt Nam ngày nay.
Trúng cử BCT nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân lại rời ghế Phó Thủ tướng sang nắm Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Một nước đi tiềm ẩn rất nhiều bất ngờ cho kỳ Đại hội XII tới đây.
Rất khiêm tốn (so với các tin đại án Tham nhũng) báo chí đăng tin Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự các tỉnh, hay Thứ trưởng mới. Cũng cần phải biết rằng nhân sự các tỉnh, cũng như sự ủng hộ của địa phương đóng vai trò rất lớn trong các kỳ họp BCH TƯ Đảng. Trong khi đó, giới doanh nhân kể cả khối ngoài quốc doanh vẫn đặt lòng tin ở ông nhiều hơn ở những người Chỉnh đốn.
Ban Nội Chính còn đang bù đầu với việc giám sát Ngân hàng, tài chính, đánh mạnh án Tham nhũng thì Thủ tướng thu những thắng lợi ngoại giao cực kỳ quan trọng. Ông đề xướng và chủ động thiết lập nên khái niệm "lòng tin chiến lược" nhằm bảo đảm cục diện Biển Đông.
Ông đi thị sát quá trình đóng tàu Kilo như một trong những hợp đồng quân sự lớn nhất của Việt Nam với một trong năm cường quốc thế giới (tức là nước Nga).
Và giữa lúc Campuchia đang động loạn bởi những cuộc biểu tình phe chống Chính phủ thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm. Hành động và phát ngôn của ông khiến cho ngay cả người chống Việt Nam - ông Sam Rainsy cũng phải phục. Cánh cửa cho luồng đầu tư Việt Nam vào CamBuChia một lần nữa lại mở ra. Tình hình Tây Nam coi như đã bình ổn.
Trong khi Tổng Bí Thư vẫn đang "nặng nợ với truyền thống" rối rắm với luận thuyết Mác - Lê, Chủ tịch nước Trương Tấn San chỉ biết khẳng định "học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM" thì chính Thủ tướng lại mở cánh cửa mới. Ông sử dụng khái niệm "nhà nước kiến tạo sự phát triển". Trong thông điệp đầu năm, ông khẳng định tiến hành cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa, tạo động lực mới cho sự phát triển: " Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân".
Bất chấp truyền thống "chém gió" của Thủ tướng thì bài phát biểu của ông đã đưa lại những so sánh lý thú. Tổng Bí thư, Chủ tích nước bảo thủ, nguyên tắc, Thủ tướng đột phá. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trông chờ vào các cựu trào, Thủ tướng đang chứng tỏ mình có thể mở cánh cửa phát triển phù hợp với quy luật thời đại.
Mất đông bù tây, hơn nữa đây toàn là những thắng lợi quan trọng và then chốt. Về cơ bản quyền lực cốt lõi của ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ không suy chuyển, ông vẫn sẽ là nhân vật chính trị có những ảnh hưởng quan trọng kể cả sau Đại hội Đảng lần thứ XII.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét