Trong biển thông tin bát nháo, lề trái, lề phải và không lề, làm sao để biết đâu là thông tin đáng tin cậy là một câu hỏi lớn. Mỗi bài viết, mỗi tác giả đều có một chủ đích nào đó khi cầm bút. Chính vì vậy, bạn đọc phải đánh giá, chắt lọc và thẩm thấu thông tin cho mình để tránh bị hiểu sai hoặc bị “dắt mũi”.
Ảnh: đưa tin đúng sự thật, khách quan là đạo đức làm báo (nguồn: internet)
Về cơ bản, khi đọc một bài viết, chúng ta cần phải phân biệt giữa “bằng chứng khách quan” và “quan điểm chủ quan”. Bằng chứng là những thông tin, số liệu đã được chứng minh, còn quan điểm chỉ là đánh giá, diễn giải hoặc niềm tin của tác giả. Ví dụ, bằng chứng là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013 đạt khoảng 5,3%, thấp hơn các năm trước đây. Còn quan điểm chủ quan là nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và bắt đầu tăng trưởng trở lại trong các năm tiếp theo. Một độc giả thông minh là độc giả phân biệt được bằng chứng và ý kiến chủ quan, và phải đánh giá được ý kiến chủ quan đó có đáng tin cậy hay không (ví dụ như có bằng chứng để củng cố quan điểm của tác giả hay không).
Để đọc báo tỉnh táo, có lẽ một số lưu ý sau cần được áp dụng.
Thứ nhất, phải đánh giá những bằng chứng thực tế có thực sự là bằng chứng không, hay tác giả chỉ “đánh tráo” gọi quan điểm của họ là bằng chứng. Ví dụ, một tác giả viết “thực tế đã chứng minh tư tưởng của chúng ta là tiến bộ, vượt trội, là đích đến không thể bàn cãi” hoặc“kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, do dân trí thấp nên chúng ta chưa thể thực hành dân chủ vì sẽ dẫn đến rối loạn xã hội”. Rõ ràng, đây chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả chứ không phải là “thực tế khách quan” vì thiếu các bằng chứng củng cố cho tuyên bố này. Dù tác giả gọi quan điểm cá nhân của mình là “thực tế đã chứng minh” không biến quan điểm của ông ta/bà ta thành thực tế được. Tất nhiên, quan điểm của chuyên gia uy tín, nhà khoa học lỗi lạc trong lĩnh vực của họ có thể khác, nhưng những người như vậy thường đưa ra bằng chứng cho nhận định của mình, chứ không chỉ tuyên bố xanh rờn “thực tế đã chứng minh”.
Thứ hai, khi đọc cần để nhiều người đưa ra “lý luận sai” để dẫn dụ đến một “kết luận sai”. Lỗi này có cả cố ý hoặc vô ý. Ví dụ, nhiều người khái quát hóa một sự vật hiện tượng đơn lẻ thành hiện tượng chung như “nông dân Việt Nam phun thuốc bảo vệ thực vật và chất tăng trưởng rồi bán cho khách hàng, còn rau mình ăn được trồng ở một vạt vườn riêng”. Rõ ràng, chỉ một số người nông dân làm vậy, chứ không phải tất cả người nông dân đều làm vậy. Hoặc nhiều người đơn giản hóa vấn đề như “nếu chính phủ tử hình tất cả những người buôn ma túy, thì không còn ai mắc nghiện”. Đây không phải là một vấn đề đơn giản như thế. Để dẹp nạn buôn bán, sử dụng ma túy không chỉ liên quan đến việc tử hình kẻ buôn lậu, mà còn liên quan đến hệ thống luật pháp, văn hóa, xã hội, và quyền được sống.
Thứ ba, cần phải cảnh giác với những khái niệm tương đối hoặc mang tính áp đặt cá nhân trong các bài viết. Ví dụ, “giới trẻ thường ít kinh nghiệm, đua đòi, không tự xác định được cho mình đâu là tốt và xấu” là một câu có nhiều lỗi dạng này. Cụ thể, thế nào là “giới trẻ” và liệu “trẻ” có gắn với “ít kinh nghiệm”. Bên cạnh đó, những câu như “những người ủng hộ hợp pháp hóa mại dâm là những kẻ không tôn trọng giá trị gia đình, thuần phong mỹ tục của dân tộc” cũng mắc lỗi này. Việc “lợi” và “hại” của hợp pháp hóa mại dâm không liên quan đến người ủng hộ hay phản đối nó.
Thứ tư, người viết hay sử dụng hệ nhị phân trong cảnh báo, hoặc kinh nghiệm quá khứ để áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Một ví dụ điển hình là “nếu chúng ta tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, chính phủ chắc chắn sẽ mất khả năng để điều hành nền kinh tế”. Trên thực tế, có nhiều giải pháp khác, ví dụ như sử dụng thuế, đầu tư công, hoặc quy định vê môi trường, công nghệ hoặc phúc lợi xã hội để điều hành nền kinh tế, chứ không chỉ bằng sở hữu nhà nước. Một ví dụ khác, nhiều tác giả viết “các thế hệ cha ông đã hy sinh và chịu đựng gian khổ, lẽ nào thế hệ trẻ lại không trân trọng cuộc sống ngày nay?”. Rõ ràng, cha ông sống trong một giai đoạn lịch sử, xã hội khác, và thế hệ ngày nay đã sống trong một điều kiện khác, không thể lấy giai đoạn của cha ông làm thước đo áp vào giai đoạn bây giờ.
Thứ năm, nhiều người sử dụng câu “ai cũng biết” hoặc “rõ ràng là” để đánh lừa người đọc. Ví dụ, có người viết “tất cả chúng ta đều biết ngân sách nhà nước là tiền của dân, để phục vụ nhân dân” là không đúng, không phải người dân nào cũng biết các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội được xây dựng bằng tiền của họ chứ không phải là do cấp trên ban phát. Hoặc “bất cứ ai cũng biêt rằng kỳ thị người có HIV chỉ làm cho dịch bệnh lan tràn hơn mà thôi” cũng vậy, không phải ai cũng hiểu khi bị kỳ thị, người có HIV sẽ phải che dấu, không dám tiếp cận thông tin, thuốc chữa, và tiếp tục quan hệ không an toàn với người khác, và kỳ thị là một nguyên nhân lan truyền HIV.
Đọc báo cần phân biệt đâu là thực tế đã được chứng minh, đâu là lý thuyết hoặc nguyên lý khoa học, và đâu là ý kiến chủ quan áp đặt của tác giả. Nếu không phân biệt được, chúng ta dễ dàng bị “lừa” bởi những quan điểm mang tính tuyên truyền một chiều, xa rời thực tế. Nói cách khác, đọc báo tỉnh táo là chúng ta có trách nhiệm với bản thân, và đặc biệt để không bị dẫn dụ bởi người khác làm những việc không đúng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét