Trang

Nhãn

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

“Đừng đối xử với báo chí như địch họa, thiên tai” (vn.news.yahoo.com/)


SGTT.VN - Việc nhiều đơn vị có quyền “phạt báo chí” khiến các nhà báo có lo ngại báo chí đang bị “phòng ngừa” như thiên tai, địch họa.
Cùng góp tiếng nói về vấn đề này, nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký Báo Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PV Infonet.
Là người tâm huyết với việc đào tạo, bảo vệ quyền tác nghiệp của nhà báo, ông có suy nghĩ gì khi “ai cũng có quyền xử phạt báo chí” với hàng loạt nghị định xử phạt hành chính ra đời?
Tôi rất bất ngờ bởi vì báo chí được coi là công cụ, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng nhưng cách thức trao quyền xử lý báo chí cho quá nhiều ngành, quá nhiều cá nhân ở rất nhiều cấp như đại diện Bộ Tư pháp nói “ai phát hiện trước phạt trước” thì không thể hiểu nổi. Cách thức “huy động cả hệ thống vào cuộc” như thế thể hiện tư duy coi sai sót của báo chí không khác gì thiên tai, địch họa, cần phải sự ra tay của nhiều cấp nhiều ngành.

Trong khi đó, sự đóng góp của báo chí được các nhà lãnh đạo nói rất nhiều, thậm chí còn được trao tặng những danh hiệu cao quý. Đặc biệt với nhân dân, họ rất cảm ơn báo chí, minh chứng ở nhiều nghiên cứu khảo sát của chúng tôi.
Nhà báo Mai Phan Lợi   

Từ câu chuyện trao quá nhiều quyền cho các cá nhân, các ngành xử phạt báo chí, theo tôi cần mổ xẻ xem có đúng về mặt đạo đức và pháp lý hay không.
Về mặt pháp lý, chúng tôi xác nhận rằng quyền quản lý Nhà nước là thuộc về Chính phủ theo Luật Báo chí. Chính phủ thống nhất quản lý và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là cơ quan được trao quyền quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí. Điều đấy được ghi nhận trong luật: Luật Báo chí, Luật Tổ chức Chính phủ, các nghị định... về tổ chức bộ máy của Bộ TT&TT cũng như các đơn vị chức năng. Vậy quyền quản lý Nhà nước là gì? Đó là 3 việc chính: ban hành chính sách; kiểm tra việc thực thi chính sách và xử lý các hành vi vi phạm chính sách.
Theo điều đó, việc quản lý trong lĩnh vực báo chí là Bộ TT&TT. Bộ này là cơ quan xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí bao gồm toàn bộ các khâu hoạt động báo chí: thu thập, xử lý và công bố thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Chính vì thế, việc Bộ kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm Luật Báo chí thông qua các công cụ như Nghị định 02/2011/NĐ-CP và từ ngày 1/1/2014 là Nghị định 159/2013/NĐ-CP là cần thiết, đúng thẩm quyền. Bản thân giới báo chí cũng thấy điều đấy là phù hợp với trình độ, năng lực của cán bộ ngành TT&TT.
Tuy nhiên, nếu nói rằng do Chính phủ thực hiện quyền quản lý Nhà nước nên có thể phân công cho các cơ quan, bộ ngành khác thực thi quyền xử phạt báo chí thì đúng về nguyên tắc. Thế nhưng thử hỏi những cơ quan không tự mình hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hành lang pháp lý liên quan đến tác nghiệp của nhà báo thì làm sao đủ khả năng đứng ra xác định nhà báo vượt khỏi ranh giới tác nghiệp? Không đủ năng lực mà lại có quyền ra quyết định xử phạt sẽ dẫn tới một nguy cơ nguy hiểm là sự tùy tiện, nhất là với trình độ năng lực của những cán bộ cấp xã, cấp huyện, cấp cục... những cán bộ vốn không được đào tạo, không có hiểu biết về báo chí.
Khía cạnh thứ 2 về mặt pháp lý, trình độ năng lực của các cán bộ này còn thể hiện ở việc ban hành mức phạt. Tôi đã nghiên cứu khá kỹ về Nghị định 31/2001/NĐ-CP, Nghị định 56/2006/NĐ-CP, Nghị định 02/2011/NĐ-CP, Nghị định 159/2013/NĐ-CP thấy rằng các đơn vị soạn thảo là Bộ TT&TT đưa ra mức phạt đối với hành vi gây hậu quả nghiêm trọng, ít nghiêm trọng cho thấy sự suy xét đánh giá khá kỹ và toàn diện trên tất cả các mặt đời sống xã hội và nó được áp dụng chung cho tin tức, cho tác nghiệp báo chí ở tất cả các mảng. Nhưng điều lạ là đánh giá về hành thông tin sai sự thật của báo chí mỗi ngành lại đưa ra một mức phạt khác nhau: có ngành đưa ra mức phạt đến 100 triệu đồng, có ngành đưa ra mức phạt chỉ có 3 triệu đồng.
Sự chênh lệch về mức phạt không chỉ gây khó khăn cho người trực tiếp thực thi pháp luật, tức là áp dụng mức phạt nào, mà còn tạo kẽ hở cho tiêu cực khi đối tượng bị xử phạt có thể “mặc cả” với lực lượng chức năng. Hơn thế, việc đưa ra các mức quá chênh lệch nhau cho một hành vi còn thể hiện sự chênh lệch rất lớn về trình độ nhận thức của những người soạn thảo.
Ví dụ đưa thông tin sai về thi cử chỉ bị phạt 3 triệu đồng còn về giá lại lên tới 100 triệu đồng, vậy có căn cứ nào để khẳng định rằng thông tin sai trong lĩnh vực giá cả nguy hiểm hơn thông tin sai trong lĩnh vực thi cử? Thi cử là vấn đề rất thiết thân với mỗi người dân, với tương lai của nhiều con người... cả xã hội có thể náo động về chuyện lộ đề, ném phao thi. Người ta sẵn sàng đổ ra hàng trăm triệu đồng để con em được học hành thi cử, chả lẽ không quan trọng bằng thông tin tăng giá xăng? Ngoài ra, còn những lĩnh vực khác như khí tượng thủy văn, thống kê... thì tiêu chí nào để xác định ngành nào quan trọng hơn ngành nào?
Mặt khác, việc ngành ngành phạt báo chí, người người phạt báo chí còn có biểu hiện vi phạm nguyên tắc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Các ngành đã dẫn ở trên thực tế đều là đối tượng bị báo chí phản ánh. Vì vậy việc trao quyền cho đối tượng bị phản ánh cũng chính là trao quyền “trọng tài” xử phạt báo chí cho những “cầu thủ”, khó tách bạch để có vị trí độc lập khách quan với sự việc được báo chí nêu.
Những điều nói trên đã dấy lên những lo ngại. Nhưng giới báo chí lo một, những người cung cấp thông tin cho báo chí, những người thông qua diễn đàn của nhân dân, để phản biện xã hội sẽ lo mười. Khả năng công cụ sắc bén thực thi quyền hiến định của công dân là báo chí có thể bị ảnh hưởng, bị vô hiệu hóa một phần khi nhiều cá nhân, nhiều ngành được quyền quyết định đúng sai, quyết định mức phạt đối với nhà báo.
Theo ông, phải chăng về mặt pháp lý có 2 điểm bất hợp lý nổi bật: vấn đề mức phạt không thống nhất và vấn đề độc lập xử lý hành chính?
Đúng thế, đây là 2 điểm bất ổn trong câu chuyện có quá nhiều ngành được quyền xử phạt báo chí.
Thế còn mặt đạo đức có vấn đề gì ở đây không?
Về mặt đạo lý, một trong 6 chức năng, nhiệm vụ của báo chí là diễn đàn của nhân dân và phản biện xã hội. Đăng các ý kiến về phản biện xã hội, đấu tranh với hiện tượng tiêu cực tham nhũng thì cả Luật Báo chí, Luật Phòng chống Tham nhũng và rất nhiều luật khác đã trao quyền cho báo chí. Văn kiện của Đảng cũng đã chỉ ra tham nhũng, tiêu cực trong bộ phận không nhỏ Đảng viên giữ các chức vụ trong bộ máy. Điều này dẫn đến một vấn đề, chính những người, ngành được giao thẩm quyền xử phạt báo chí cũng là những người có chức vụ, quyền hạn, tức là hoàn toàn có thể trở thành đối tượng bị báo chí phanh phui, phản ánh về các quyết định quản lý Nhà nước của họ. Ví dụ, quyết định điều chỉnh giá xăng dầu, quản lý thi cử, xác lập con số thống kê...
Đối với xã hội, việc phản biện các quyết định đó trên báo chí lâu nay là rất cần thiết nhằm minh bạch hóa thông tin, vạch trần hành vi tham nhũng, tiêu cực. Như vậy nếu những ngành, đơn vị là đối tượng phản ánh của báo chí lại có thể trở thành trọng tài, thậm chí thành quan tòa, ra hình phạt đối với nhà báo thì rất “có vấn đề” về mặt đạo đức, đạo lý xã hội. Không thể chấp nhận được, người bị phản biện trở thành quan tòa xử lý người phản biện.
Nếu tình trạng ngành ngành được phạt báo chí như hiện nay, hệ lụy cho báo chí là gì?
Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu thấy rằng chưa đến 10% các khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí phản ánh được các cơ quan nhà nước trả lời một cách tử tế. Nay với các quy định mới biến bộ ngành, địa phương thành các boongke, một mặt lờ đi nghĩa vụ trả lời thông tin báo nêu, một mặt lại trao thêm nhiều vũ khí “tấn công” nhà báo, rất có thể tình hình sẽ khác.
Lúc đó, các nhà báo sẽ không có tiếng nói phản biện. Những vụ việc có biểu hiện tiêu cực sẽ không được làm rõ vì nhà báo không dám nêu. Vì, nguy cơ bị chính nơi nhà báo phản biện “phán quyết” mình sai và án xử phạt treo lơ lửng trên đầu. Ví dụ, vụ thi cử Đồi Ngô, lúc đầu các cơ quan phủ nhận về tiêu cực thi cử ở đây. Chỉ khi, báo chí công bố bằng chứng họ mới buộc phải thừa nhận. Vì trước đây, họ phủ nhận nhưng họ không có quyền phạt, báo chí mới tiếp tục đấu tranh, điều tra tìm hiểu. Nhưng những ngành, địa phương đó có quyền xử phạt trong tay thì họ sẽ phủ nhận đồng thời sẽ xử phạt báo chí và cũng có quyền chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự. Như vậy, khả năng hình sự hóa không thể nói không có.
Đã có cơ quan bị nêu về quản lý ngành, thay vì cơ quan này giải trình trước công luận, họ lại gửi đơn sang Công an yêu cầu điều tra. Hiện tượng lạm quyền sẽ diễn ra.
Một hậu quả có thể nhìn thấy được, khi báo chí bị tước đi chức năng phản biện của mình, sẽ không còn ai đọc báo. Mà sự thật như vậy, báo chí không đăng thì mạng xã hội, blogger họ đăng. Báo chí chính thống sẽ dần dần sa sút, mất trận địa về thông tin.
Xin cảm ơn ông!

Hồng Chuyên/ Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét