Trang

Nhãn

Thứ Năm, 5 tháng 6, 2014

Bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử (dangcongsan.vn/cpv/)

                         
13:30 | 05/06/2014
(ĐCSVN) - Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 7,Quốc hội khóa XIII, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Trần Văn Độ kiêm Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, , đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang khẳng định, từ trước đến nay không có qui định nào về "chỉ đạo án".
 
 Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ.
(Ảnh: Thảo Nguyên).
Phóng viên (PV): Hiến pháp năm 2013 đã đưa ra một số quy định bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, nhất là quy định cấm can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán. Tại Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cũng đã đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án thành lập TA sơ thẩm khu vực, TA cấp cao, nhằm tách khỏi sự quản lý hành chính của địa phương. Vậy theo ông, làm thế nào để hiện thực hóa quy định trên?
Phó Chánh án Trần Văn Độ: Phải nói rằng, quan hệ hành chính là quan hệ mệnh lệnh phục tùng, TA nằm trong bộ máy hành chính của một địa phương nên tiến tới thành lập TA tách khỏi đơn vị hành chính lãnh thổ.
Hiện nay chúng ta thành lập TA cấp tỉnh, TA cấp huyện tôi e không phù hợp nên trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đưa ra 2 phương án, trong đó có phương án thành lập TA sơ thẩm khu vực, TA cấp cao - những tòa hoàn toàn tách khỏi sự quản lý hành chính của địa phương.
Tôi nghĩ đó là điều tốt, ít nhất một trong những cơ chế tổ chức đã tạo điều kiện cho độc lập trong xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính lãnh thổ mà chịu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý cao hơn.
PV: Tuy TA không phụ thuộc vào đơn vị hành chính của địa phương nhưng vẫn trong quản lý ngành dọc của ngành TA. Như vậy, hoạt động xét xử của Thẩm phán có bị ảnh hưởng bởi sự quản lý, chỉ đạo của cấp trên không, thưa ông?
Phó Chánh án Trần Văn Độ: Quản lý của ngành TA ít phụ thuộc, can thiệp hơn. Tôi cho rằng, có cơ chế giám đốc thẩm, phúc thẩm thì việc gì phải can thiệp? Vì vậy, khả năng can thiệp của tòa cấp trên với cấp dưới ít hơn so với sự can thiệp từ bên ngoài.
Tôi nghĩ chúng ta chưa sơ kết, tổng kết, đánh giá việc giao cho TA Tối cao quản lý hệ thống TA từ năm 2002 đến nay mà đưa ra một mô hình khác thì có vẻ thiếu tính khả thi do thiếu căn cứ lý luận, thực tiễn. Muốn thay đổi phải nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả như thế nào và tham khảo pháp luật nước ngoài.
PV: Vậy phải hiểu như thế nào về dư luận cho rằng thời gian qua vẫn có tình trạng “án bỏ túi”?
Phó Chánh án Trần Văn Độ: Từ trước đến nay không có quy định nào về "chỉ đạo án". Chỉ những vụ án về tội đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận đặc biệt xấu và đối với những cá nhân mà dư luận quan tâm hoặc những vụ án vi phạm an ninh quốc gia thì rõ ràng phải có sự chỉ đạo về cách xét xử. Còn những vụ án thông thường thì không có.
Những trường hợp Thẩm phán xét xử cảm thấy chưa đủ khả năng, chưa nắm được hết các vấn đề thì tham khảo ý kiến người khác, thậm chí của Thẩm phán cấp trên. Như bản thân tôi cũng làm việc ở TA Quân sự Trung ương nhưng Thẩm phấn cấp dưới, hay Thẩm phán các TA khác vẫn điện thoại trao đổi về cách xét xử. Tôi cho rằng đây chỉ là tham khảo chuyên môn chứ không phải là chỉ đạo án.
Nếu có chỉ đạo án thì đó là trái hoàn toàn với qui định trong ngành TA.
PV: Việc bỏ qui định "Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán" có phải là một cách để giảm ảnh hưởng của chính quyền địa phương đối với hoạt động xét xử của TA không, thưa ông?
Phó Chánh án Trần Văn Độ: Tôi cho rằng không phải vậy. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là cơ chế để kết hợp giữa tính dân chủ của nhân dân với hoạt động chuyên môn của Thẩm phán.
Ở Việt Nam chưa học tập được cơ chế bồi thẩm đoàn như một số nước nên nếu ngang quyền, thậm chí hơn quyền Thẩm phán vì Hội thẩm đông hơn Thẩm phán thì rõ ràng sẽ có những trường hợp cảm tính thay cho qui định pháp luật, dẫn đến những quyết định không hợp lý cho nên Hiến pháp không qui định Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán. Theo tôi, quy định này phải được thể hiện cụ thể ở Bộ luật Tố tụng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Các từ khóa theo tin:
Thu Hằng (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét