Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam - Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam
Việt Nam lên án Trung Quốc tại Hội nghị LHQ về Luật biển 1982>> Phản bác lý sự "chủ quyền" của Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Trung, trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải xem xét lại những chính sách của mình. “Trung Quốc đang chứng tỏ không còn coi trọng mối quan hệ 4 tốt, 16 chữ vàng nữa. Nó không có nghĩa lý gì so với những gì mà cục diện quốc tế đang mang lại cho Trung Quốc. Không thể phủ nhận những áp lực và thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với các nước trong khu vực và Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chúng ta thấy rõ được thách thức này, phối hợp với các quốc gia khác thì hoàn toàn có thể đối phó được”, ông Nguyễn Trung khẳng định.
Điểm lại toàn bộ những hành động gây hấn, xâm chiếm ở biển Đông suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông Nguyễn Trung cho rằng: các sự kiện từ 1956 đến nay nói lên quan điểm xuyên suốt của Trung Quốc trong vấn đề xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến Hoàng Sa không phải vi phạm mà phải nhìn nhận dứt khoát là hành động xâm lấn.
“Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn thời điểm này để đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam, Hải Dương 981 đã được họ chuẩn bị từ nhiều năm nay. Rõ ràng, việc Nga sát nhập Crimea đã đặt ra rất nhiều vấn đề trong quan hệ Nga – Ukraine, Nga – Phương Tây. Mặt khác, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc cũng có bước phát triển mới. Sự hợp tác giữa hai cường quốc khiến cục diện thế giới thay đổi. Cùng với đó là thái độ cứng rắn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan, những phát biểu của Tập Cận Bình và của trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc ở Shangri-La 13 cho thấy chưa bao giờ Trung Quốc lại tỏ ra hung hăng như vậy. Tôi cho rằng, Trung Quốc đã thực sự chuyển mình sang giai đoạn thực hiện chính sách bá quyền ở biển Đông, thời kỳ chiếm được chỗ nào thì chiếm, khẳng định chỗ nào thì khẳng định”, ông Nguyễn Trung phân tích.
Để đối diện với những thách thức từ Trung Quốc, theo ông Nguyễn Trung, điều đầu tiên là Đảng và Nhà Nước phải nói cho toàn dân biết thực trạng quan hệ Việt - Trung. Ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền phải dựa trên những hiểu biết sâu sắc về quan hệ hai nước. Mặt khác, “nếu chúng ta lúng túng, không kiên quyết đấu tranh thì thế giới cũng khó lòng ủng hộ mình được”, ông Trung nói.
Từ góc độ quân sự, thiếu tướng Lê Mã Lương cũng phân tích những lý do khiến Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam cùng những nguyên nhân khiến nước này xây dựng sân bay tại Gạc Ma. Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng cho rằng muốn đối phó với Trung Quốc, trước hết các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… phải có sự hợp tác. “Khi đó, Trung Quốc muốn quẫy ở biển Đông cũng sẽ gặp nhiều khó khăn”. Mặt khác, trong vấn đề ngoại giao, thiếu tướng Lê Mã Lương cho rằng: phải đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu.
H.HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét