Published on June 22, 2014 · No Comments
Ngày 20/6/014, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã công bố Quyết định số 1326/QĐ-TTCP thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) và một số đơn vị thành viên.
Đoàn Thanh tra gồm 10 thành viên, do ông Đinh Đăng Lập – Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Vụ Thanh tra khối Nội chính và Kinh tế tổng hợp) làm Trưởng đoàn.
Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra. Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2012 đến 31/12/2013, nếu cần thiết sẽ mở rộng thời kỳ thanh tra để làm rõ hơn quy định quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Vinafood2.
Ông Phạm Hoàng Hà – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinafood 2 yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan phải phối hợp tốt với Đoàn Thanh tra CP để thực hiện nghiêm các quy định pháp luật liên quan đến nội dung thanh tra tại 28 công ty thành viên.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết nội dung thanh tra đối với Vinafood 2 và một số đơn vị thành viên nằm trong Chương trình kế hoạch thanh tra năm 2014 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lỗ, nợ khó đòi hàng ngàn tỷ đồng
Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) gồm 44 công ty thành viên, trong đó có 14 đơn vị trực thuộc. Theo báo cáo của Vinafood 2, đến hết năm 2013, 7/14 đơn vị lỗ lũy kế, nợ khó đòi với tổng số tiền gần 1.000 tỉ đồng.Trong đó, Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh lỗ 164,66 tỉ đồng; “Người anh em” Công ty Lương thực Trà Vinh cũng rất yếu ớt với khoản lỗ 134 tỉ đồng.
Lãnh đạo Công ty Lương thực Trà Vinh, giải thích một trong những nguyên nhân dẫn đến lỗ nhiều như vậy là do kinh doanh lương thực năm 2011 không hiệu quả. Khi đó công ty mua gạo giá cao, tồn kho lớn, nhưng khi bán ra thì giá thấp hơn lúc mua vào tới 1.700-1.800 đồng/kg dẫn đến khoản thua lỗ hơn 120 tỉ đồng.
Đến năm 2012 công ty thực hiện chương trình mua tạm trữ lúa gạo không hiệu quả nên tiếp tục lỗ thêm hơn chục tỉ, đẩy con số lỗ lũy kế lên 134 tỉ đồng.
Công ty Lương thực Thực phẩm An Giang: 83,19 tỉ đồng; Công ty Lương thực Bạc Liêu: 42,34 tỉ đồng; Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang: 25,13 tỉ đồng; Công ty Lương thực Bến Tre: 1,35 tỉ đồng; Công ty Lương thực Sóc Trăng: 2,7 tỉ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ được cho là do lỏng lẻo trong quản lý nhân viên, ưu ái đối tác khi ký hợp đồng làm thất thoát, gây ra nợ khó đòi với tổng số tiền 420 tỉ đồng.
Theo kết quả “Giám sát tài chính đối với các đơn vị trực thuộc có kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ của Vinafood 2”, tính đến ngày 31/12/2013, 3/7 đơn vị thua lỗ thuộc đối tượng phải giám sát tài chính cho thấy hầu hết đều ở tình trạng nợ xấu cao, vốn vay ngắn hạn bị chiếm dụng do đưa vào đầu tư dài hạn và khả năng thanh toán nợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu hầu như bị mất.
THEO GIÁO DỤC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét