Đức Phanxicô đã đặt một nhà ngoại giao chuyên
nghiệp đứng đầu Phủ Quốc Vụ Khanh một lần nữa, đó là Đức HY Pietro Parolin.
Nhưng dưới triều đại ngài, chính sách ngoại giao của Vatican đã thay đổi hẳn.
Nhiều người, như Sandro Magister, gọi đây là nền ngoại giao của những điều
bất khả.
Chiến tranh thế giới đánh và thắng nhờ những người vĩ đại như Đức Gioan
Phaooô II đã đi vào quá khứ. Trong thời của những cuộc tranh chấp được cá
nhân hóa, của những nhà độc tài, của những phe phái vũ trang, của những quốc
bị phân mảnh và thất bại, cả đến nền ngoại giao cũng được cá nhân hóa, trở
thành một thứ “thủ công” nghệ, như chính Đức Phanxicô hay nói. Á Căn Đình của
ngài không phải là Ba Lan, nơi cả một Giáo Hội vững như bàn thạch và trung
thành như chiên con chống lại nền độc tài khát máu. Dưới gót giầy cai trị của
quân đội, Giáo Hội Á Căn Đình trở thành hồ đồ và chia rẽ. Nhà tu sĩ trẻ tuổi
Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio đành hành động theo phán đoán riêng của mình,
một cách hết sức âm thầm và cô đơn nhưng rất có hiệu quả.
Ngày nay, làm gì, ngài cũng làm công khai. Nhưng vẫn với những cử chỉ có tính
bản vị cao, xem ra không quen thuộc bao nhiêu đối với những nhà ngoại giao
chuyên nghiệp. Như mời hai nguyên thủ quốc gia Do Thái và Palestine tới cầu
nguyện tại Vatican, chẳng hạn.
Chính ngài tâm sự sau này, “tại Vatican, 99 phần trăm người ta cho rằng chúng
tôi sẽ không bao giờ thành công cả”. Hóa ra, cảm thức của 1 phần trăm do ngài
đại diện lại không sai chút nào.
Ngay trong các việc chuẩn bị phức tạp cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh, Đức
Phanxicô cũng đã một mình sắp xếp mọi chuyện. Ngài chỉ để các nhà ngoại giao
chuyên nghiệp làm những chuyện vụn vặt. Ngài thích được sự giúp đỡ của một tu
sĩ Phanxicô, người trông coi Đất Thánh, là Cha Pierbattista Pizzaballa, và
của nhà báo Do Thái, phóng viên của tờ “La Vanguardia" ở Barcelona, là
Henrique Cymerman.
Nơi nào ngoại giao thất bại, Đức Phanxicô nhập cuộc theo cách riêng của ngài.
Bằng im lặng, như khi bất ngờ dừng chân trước bức tường phân cách ở Bêlem.
Bằng cầu nguyện và ăn chay, như cho Syria ngày 7 tháng 9, khi ngài quì trước
ảnh Đức Mẹ, đọc kinh Mân Côi tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô.
Bằng dâng Thánh Lễ, ngày 8 tháng 7 tại Đảo Lampedusa, trên một bàn thờ làm
bằng gỗ của chiếc thuyền bị đắm, cầu nguyện cho di dân và người tị nạn.
Đức Phanxicô tay không đi tới các chiến tuyến xa xôi nhất của thế giới, chỉ
đem theo mình các vũ khí thiêng liêng. Điều con người không làm được, ngài
đặt vào bàn tay Thiên Chúa. Syria ngày nay tan hoang hơn trước. Địa Trung Hải
đầy rẫy thuyền tị nạn hơn bao giờ hết. Chỉ ít ngày sau buổi cầu nguyện của
Shimon Peres và Abu Mazen, một phe của Palestine đã bắt cóc ba học sinh Do
Thái. Nhưng nền ngoại giao của Đức Phanxicô vẫn sống còn dù chịu các thất bại
này. Nó là nền ngoai giao của những điều bất khả.
Thực ra, trong đạo Công Giáo, từng đã có nhiều tiền lệ như thế. Năm 1969, hai
năm sau Cuộc Chiến Sáu Ngày, thị trưởng thánh thiện của Florence, Giorgio La
Pira, đã đem được các nhà lãnh đạo Ả Rập và Do Thái tới Hebron để cùng cầu
nguyện cho hòa bình cạnh mộ Ápraham.
Gandhi và Martin Luther King cũng đều là những nhà “duy ảo tưởng” sáng chói,
dù họ biết phải kèm giấc mơ của họ với nghệ thuật chính trị ra sao.
Đức Phanxicô cũng có cùng một tham vọng đó. Ngài không ngây thơ. Ngài kèm lời
nói và sự im lặng của ngài với một kỹ thuật tinh xảo, giống bất cứ tu sĩ Dòng
Tên nào.
Ngài vốn nói và từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng số Kitô hữu bị bách hại
vì đức tin của mình hiện đông hơn các thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo. Nhưng
ngài tránh, không công khai thách thức những người bách hại hiện nay. Ngài
nói với tờ “La Vanguardia” rằng: “tôi biết nhiều điều về bách hại nhưng hình
như không khôn ngoan cho tôi bao nhiêu khi thuật lại điều này”.
Giữa tháng 5 vừa qua, giữa ngày có tin tại Sudan Hồi Giáo, một người vợ và là
bà me trẻ tên Meriam Yahya Ibrahim bị kết án tử hình chỉ vì là Kitô Hữu, Đức
Phanxicô tiếp tân đại sứ của Sudan tại Vatican. Nhưng ngài không nói lời nào
nhắc tới việc này. Cả mấy ngày sau cũng thế. Hoàn toàn im lặng, bất chấp cả
thế giới xôn xao phản đối đòi giải thoát người đàn bà này.
Ai cũng đã hay, sau đó, người đàn bà đã được cứu ra sao. Do ai? Chỉ biết nhân
dịp này Đức HY Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh giải thích: “Tòa Thánh tìm
những cách can thiệp hữu hiệu nhất, mà không phải luôn luôn là cách hò hét”.
Không lạ gì, Đức Phanxicô là người hết lòng bênh vưc sự im lặng của Đức Piô
XII thời Thế Chiến II, nhờ sự im lặng này mà “họ (Quốc Xã) không sát hại thêm
người Do Thái”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét