Nếu con số ISIL công bố là sự thật, đây sẽ là hành động đơn lẻ đẫm máu nhất kể từ khi các cuộc xung đột xảy ra ở khu vực, thậm chí vượt cả quy mô vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Damascus (Syria) năm ngoái. Việc sát hại những nhân viên người Shiite ở Tikrit đồng thời đẩy thêm nguy cơ xung đột sắc tộc lan rộng giữa những người Sunni và Shiite ở nước này.
Các bản tin từ khắp Iraq cho thấy ISIL (người Sunni) có vẻ như muốn sát hại người Shiite khắp Iraq để kích động thù hận. Tình hình căng thẳng cũng có thể buộc Washington phải viện trợ quân sự cho Iraq - điều cho đến giờ chính quyền Tổng thống Obama vẫn lưỡng lự.
"Chính quyền cần cho ông John Kerry lên máy bay ngay tức khắc rồi ngồi xuống với lãnh đạo Shiite, Sunni và người Kurd"
Ryan C. Crocker (cựu đại sứ Mỹ ở Iraq)
|
Các bức hình chụp những tay súng phiến quân bịt mặt bắn vào một nhóm thanh niên với tay bị trói quặt sau lưng và được xếp đứng san sát nhau trước một hố chôn tập thể được đào sẵn. Ở một số bức hình, những thanh niên xếp hàng có vẻ như cầu khẩn để được tha mạng. Các chú thích trên các bức hình cũng đầy khiêu khích như: “Giết hàng trăm thằng Shiite bẩn thỉu”.
Theo New York Times, lo ngại khả năng bùng phát xung đột sắc tộc, Chính phủ Iraq đang tìm mọi cách để giảm ảnh hưởng thông tin mới. Chính quyền đến lúc này mới chỉ xác nhận vài vụ xử tử ở Tikrit chứ không thừa nhận vụ thảm sát quy mô lớn. Một quan chức an ninh Iraq nói có 11 xác lính bị bắt được thấy ở hạ nguồn sông Tigris và ông thừa nhận có khoảng 800 lính đã bị bắt giữ ở đây.
Nhân viên của New York Times nói thấy hàng trăm quân nhân Iraq bị bắt giữ khi định chạy trốn khỏi căn cứ Speicher, nơi đang được sử dụng để tập luyện, ở Tikrit. Những người Sunni ở đó được đưa quần áo dân sự và cho về nhà, trong khi những người Shiite bị bắt rồi đưa lên xe giải đi và bị cho là đã bị xử tử.
Nguy cơ tiềm ẩn
Việc người Shiite huy động hàng ngàn tay súng tình nguyện để chống lại lực lượng ISIL cũng tiềm ẩn nguy cơ an ninh đối với Mỹ vì các nhóm này từng là lực lượng đối lập chống Mỹ kịch liệt trong giai đoạn 2006-2007 trước khi bị tướng David Petraeus đánh bại.
Ryan C. Crocker, cựu đại sứ Mỹ ở Iraq, cho rằng vụ thảm sát cho thấy việc Mỹ can thiệp là cần thiết hơn bao giờ hết. “Chính quyền cần cho ông John Kerry lên máy bay ngay tức khắc rồi ngồi xuống với lãnh đạo Shiite, Sunni và người Kurd để họ có chung quan điểm về dân tộc thống nhất” - ông Crocker nói.
Các giới phân tích đều thừa nhận mục đích chính của ISIL giờ là kích động tâm lý sắc tộc để các bên trả đũa lẫn nhau - chính thức đẩy Iraq vào cuộc nội chiến. “Trong nhóm Shiite cũng có những kẻ cực đoan và nếu những kẻ này phản ứng, chúng sẽ bắt đầu bắn giết và không loại trừ ai” - Ameer Jabbar al-Sa’aedi, một chuyên gia phân tích tại Baghdad, nói.
Tình hình căng thẳng đã khiến đại sứ quán Mỹ ở Baghdad lên kế hoạch sơ tán một lượng lớn nhân viên của mình trong tuần này. Hiện số lượng bao nhiêu nhân viên sơ tán vẫn chưa rõ, nhưng Mỹ có khoảng 5.500 nhân viên sứ quán tại Iraq. Hơn 130 lính thủy đánh bộ đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho sứ quán.
Hiện Mỹ đang cân nhắc mở kênh đối thoại trực tiếp đối với Iran, nước vốn có quan hệ căng thẳng với Washington từ năm 1979 tới nay, để tìm cách đối phó với ISIL. Dù là đối thủ suốt 35 năm qua, cả Iran và Mỹ đều có mục tiêu chung trấn áp lực lượng ISIL. Theo BBC, các cuộc đàm phán có thể diễn ra ngay trong tuần này.
THANH TUẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét