Trang

Nhãn

Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Philippines mở toang căn cứ cho Mỹ, toàn lực chống Trung Quốc (baodatviet.vn/)

                    
(Bình luận quân sự) - Philippines đang làm tất cả những gì có thể, nâng cấp hàng loạt căn cứ hải quân cho tàu chiến Mỹ, dốc toàn lực mua sắm vũ khí đối phó TQ.
Philippines mở toang các căn cứ đón quân đội Mỹ
Sau hàng loạt các động thái “lách luật” hoàn hảo, Chính phủ Philippines đang nâng cấp căn cứ hải quân tại vịnh Ulugan, thuộc bờ biển phía Tây đảo Palawan, miền Nam Philippines. Sau khi nâng cấp xong, nơi đây sẽ trở thành quân cảng cho tàu chiến của quân đội Mỹ, biến căn cứ này thành tiền tuyến phòng ngự chống Trung Quốc.
Khi đi thị sát căn cứ hải quân vịnh Ulugan đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Philippines Aquino III đã tuyên bố: "Đây là tiền tuyến cho các hoạt động bảo vệ lãnh thổ của chúng ta tại quần đảo Kalayaan (quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Philippines chiếm đóng và kiểm soát trái phép một số đảo).
Tuyên bố của Tổng thống Philippines được đưa ra ngay sau khi Washington và Manila ký thỏa thuận quốc phòng mới ngày 28-4, chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm 2 ngày tới Philippines, điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 4 nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm này cho phép quân đội Mỹ quyền “tạm thời” được ra vào các căn cứ quân sự được cho phép của Philippines cũng như triển khai các máy bay chiến đấu và tàu chiến. Theo hiệp ước, lực lượng Mỹ được phép sử dụng 5 căn cứ quân sự của nước này, được xây dựng các căn cứ quân sự mới và luân chuyển hàng ngàn binh sĩ.
Philippines đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đối phó với Trung Quốc
Philippines đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực để đối phó với Trung Quốc
Số lượng các binh sĩ Mỹ sẽ phụ thuộc vào quy mô của các hoạt động quân sự chung được tổ chức tại các căn cứ Philippines. Theo các quan chức Lầu Năm Góc, thỏa thuận trên sẽ cho phép các lực lượng Mỹ huấn luyện và thực hiện các cuộc diễn tập với quân đội sở tại về vấn đề an ninh hàng hải, cứu trợ thảm họa và nhân đạo.
Tuy thỏa thuận quy định Mỹ không được thiết lập sự hiện diện quân sự thường trực hoặc xây dựng căn cứ lâu dài tại Philippines, cũng như không được đưa vũ khí hạt nhân vào lãnh thổ Philippines nhưng nó cho phép binh lính Mỹ được “luân phiên hiện diện” ở đây. Về bản chất, đây chính là sự “lách luật” của Phi cho quân đội Mỹ được đồn trú trong các căn cứ của mình.
Theo tin đưa, người dân sống gần đảo Ulugan cho biết, quân đội Mỹ đã xây dựng một sân vận động, một tòa nhà đa chức năng, công trình dự trữ nước ngọt và 1 số kiến trúc khác tại căn cứ này. Rõ ràng đây là một bộ phận quan trọng trong hành động tiến quân vào biển Đông của Washington.
Vịnh Ulugan thuộc bờ biển phía Tây đảo Palawan của Philippines, là một cụm đảo nhỏ cách quần đảo Trường Sa chỉ hơn 100km, tại đây có một trung tâm chỉ huy của hải quân nước này. Vịnh Ulugan có phong cảnh tuyệt đẹp, làm say lòng người, với các tàu đánh cá nhỏ rải rác thả neo, và vô số các loại cá đủ màu sắc dưới chân rừng ngập mặn dọc bờ biển.
Vịnh Ulugan, đặc biệt là vịnh Oyster có vị trí chiến lược rất quan trọng ở Trường Sa
Vịnh Ulugan, đặc biệt là vịnh Oyster có vị trí chiến lược rất quan trọng ở Trường Sa
Tuy nhiên, do đảo Palawan nằm ở phía Tây Nam Philippines, cư dân trên đảo thưa thớt, khắp nơi đều là rừng rậm nguyên sinh, nên nếu được phát triển và mở rộng thì vịnh Ulugan, đặc biệt là vịnh Oyster - một vịnh nhỏ và kín đáo, có một cảng nước sâu tự nhiên có khả năng chứa các con tàu lớn, trong đó có cả tàu chiến, sẽ trở thành một căn cứ hải quân lý tưởng.
Điều quan trọng hơn là vịnh thuộc phía Tây đảo Palawan, mặt hướng ra biển Đông, cách quần đảo Trường Sa tương đối gần, nếu tàu chiến của Mỹ đóng quân tại đây, sẽ hình thành sức mạnh răn đe mạnh mẽ đối với quần đảo Trường Sa, từ đó sẽ tạo ra nhiều biến đổi mới cho tình hình ở biển Đông.
Căn cứ hải quân trong vịnh được xây dựng ở một ngọn đồi nhỏ, từ trong căn cứ có thể nhìn ra vịnh. Kiến trúc trong căn cứ về cơ bản là những dãy nhà nhỏ, thiết bị bên trong cực kì thô sơ đơn giản. Đây là địa điểm Mỹ và Phi thường xuyên tổ chức các khoa mục huấn luyện trong khuôn khổ các cuộc diễn tập song phương thường niên như Balikatan.
Trong cuộc tập trận chung mang tên “Vai kề vai” (Balikatan - 2012) được tổ chức vào tháng 4-2012, quân đội 2 nước Mỹ và Philippines đã thực hành huấn luyện tác chiến đổ bộ trên vịnh Ulugan. Nội dung là binh lính Philippines, Mỹ đi thuyền kayak, đột nhập vào căn cứ này, tấn công tiêu diệt những "phần tử khủng bố" chiếm đóng căn cứ và giải cứu "con tin".
Căn cứ hải quân Subic có vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ bãi cạn Scaborough
Căn cứ hải quân Subic có vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ bãi cạn Scaborough
Hành động nâng cấp khu căn cứ này sẽ làm cho Philippines có thêm sức mạnh để "giám sát và bảo vệ" chủ quyền trên biển Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, do căn cứ Ulugan cách điểm gần nhất ở quần đảo Trường Sa chỉ hơn 100km, nên hành động này của Philippines chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng tình hình vốn đã phức tạp của Biển Đông.
Việc Manila quyết định nâng cấp căn cứ quân sự ở vịnh Ulugan và vịnh Oyster cũng một phần là do hoạt động giao thông hàng hải ở Subic gia tăng, đặc biệt là khi nhiều tàu chiến Mỹ hơn ra vào và neo đậu tại các cầu tàu của vịnh này.
Theo Cơ quan quản lý vịnh Subic (SBMA), từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2013 đã có 72 tàu chiến và tàu ngầm ghé thăm Vịnh Subic. Con số này trong năm 2012 là 88 tàu của riêng hải quân Mỹ, 54 tàu trong năm 2011 và 51 tàu trong năm 2010. Những con số này không tính các con tàu ghé thăm Manila và các cảng khác ngoài Subic . 
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù chi phí hiện tại cho hoạt động nâng cấp vịnh Ulugan mới chỉ khoảng 11,4 triệu đô la Mỹ, nhưng chắc chắn là hải quân Mỹ sẽ tăng quân và tăng cường xây dựng cơ bản, đầu tư mở rộng các công trình thi công từ nguồn vốn của Mỹ.
Không ảnh Trạm Hải quân Vịnh Subic (phải) và Trạm Không quân của Hải quân, Mũi Cubi (trái)
Không ảnh Trạm Hải quân Vịnh Subic (phải) và Trạm Không quân của Hải quân, Mũi Cubi (trái)
Cùng với thỏa thuận hợp tác tăng cường phòng ngự, quân đội Mỹ sẽ sử dụng nhiều căn cứ quân sự của Philippines, triển khai đưa thêm nhiều máy bay, tàu và thiết bị đến giáp lãnh hải của Trung Quốc. Trước đó, Philippines đã công khai cho phép Mỹ lần nữa sử dụng căn cứ vịnh Subic.
Vịnh Subic nằm ở phía Tây đảo Luzon của Philippines, là hải cảng quan trọng ở bờ biển phía Đông của biển Đông. Mũi phía Đông là Mayagao, mũi phía Tây là Binictican. Vịnh dài 14 km, rộng 8-13km, mực nước sâu 24-50m, điểm neo đậu tàu thuyền lý tưởng, cảnh quan đẹp. Năm 1901, Mỹ đã xây dựng căn cứ hải quân tại đây, và được chính phủ Philippines thu hồi lại sau năm 1991.
Năm 1991, Mỹ không đồng ý với các chi phí cho căn cứ mà Philippines đưa ra. Hiệp định căn cứ quân sự Mỹ-Philippines chấm dứt. Quân đội Mỹ rời khỏi vịnh Subic và căn cứ không quân Clark. Tổng thống Corazon đã thực hiện quyết định trước đây đã thông qua để thay thế, biến các căn cứ quân sự thành đặc khu kinh tế tự do.
Theo trang tin Gulf News, một quan chức cấp cao của Philippines đã cho biết, hải quân Philippines sẽ tiếp tục tuần tra khu vực biển tranh chấp với Trung Quốc. Dưới sự viện trợ về quân sự của Mỹ, cảnh sát biển Palawan đã được trang bị nhiều tàu vũ trang cao tốc với tốc độ đạt tới 83 km/h, và tiếp nhận sự huấn luyện của đội đặc nhiệm Navy Seals của Mỹ.
Tàu đổ bộ tấn công LHD-4 USS Boxer của Mỹ cập cảng Subic, Philippines  tháng 9-2013
Tàu đổ bộ tấn công LHD-4 USS Boxer của Mỹ cập cảng Subic, Philippines tháng 9-2013
Tháng trước, cảnh sát biển Philippines đã bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc đánh bắt rùa trái phép ở vùng biển Trường Sa. Bộ ngoại giao Nhật Bản cũng thông báo Tổng thống Philippines Aquino sẽ sang thăm Nhật vào ngày 24 tháng này để tham gia hội nghị với thủ tướng Shinzo Abe, dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.
Hiện nay, đối với Philippines, căn cứ quân đội Mỹ có tác dụng ổn định lòng dân, trật tự, và tình hình chính trị tại khu vực. Để quân đội Mỹ đóng quân tại đây cũng là yếu tố rất quan trọng đối với tình hình kinh tế của nước này. Chính vì vậy, Manila đã quyết định mở rộng các căn cứ quân sự để đón quân đội Mỹ quay trở lại.
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Batino, trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận quốc phòng mới của nước này cho biết, hiện Manila đang lựa chọn từ 3-5 căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình để cho Mỹ đưa quân đội và các trang thiết bị quân sự tới đồn trú luân phiên.
Theo nguồn tin của truyền thống Philippines, Manila đang đề nghị cho Washington sử dụng thêm căn cứ Fort Magsaysay, cách thủ đô Philippines khoảng 100km về phía Bắc. Đây cũng là địa điểm thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập quân sự thường niên Mỹ - Philippines với quy mô lớn.
Tàu tuần tiễu PF-16 BRP Ramon Alcaraz của hải quân Philippines
Tàu tuần tiễu PF-16 BRP Ramon Alcaraz của hải quân Philippines
Philippines quyết định đầu tư lớn cho lực lượng vũ trang
Khi những căng thẳng trên biển bùng phát với Trung Quốc, Tổng thống Aquino đã triển khai một chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá 1,8 tỷ USD, trong đó có các kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chống tấn công từ bên ngoài, thông qua các căn cứ không quân và hải quân mới ở các vịnh biển của nước này.
Để bảo vệ một cách có hiệu quả đường bờ biển và thềm lục địa của mình, Philippines quyết định đầu tư lớn và trích từ nguồn viện trợ quân sự Mỹ trị giá 40 triệu USD để trang bị thêm 6 tàu hộ vệ cho hải quân. Tuy trước mắt  Philippines mới chỉ mua thêm được 2 tàu, nhưng họ hy vọng phía Mỹ sẽ bàn giao chúng trong thời gian gần nhất.
Hiện nay hải quân Philippines đã sở hữu 2 tàu tuần tiễu lớp Hamilton mua lại của Mỹ gồm PF-15 BRP Del Pilar và chiếc thứ 2 là PF-16 BRP Ramon Alcaraz, vừa được biên chế hồi tháng 11-2013. Hiện nay, các tàu này đang dẫn đầu lực lượng hải quân Philippines trong các cuộc tuần tra trên biển Đông.
Các tàu tuần tiễu lớp Hamilton dài 115m, rộng 13m,có lượng giãn nước lên tới 3.250 tấn. So với các tàu chiến trong khu vực Đông Nam Á, thì kích thước của Ramon Alcaraz không hề thua kém, nhưng hệ thống vũ khí thì rất yếu vì chỉ được trang bị các hệ thống pháo hạm.
Mẫu thiết kế của tàu vận tải đổ bộ lớp Makassar (LPDs)
Mẫu thiết kế của tàu vận tải đổ bộ lớp Makassar (LPDs)
Chính vì thế, hải quân Philippines cũng đang có kế hoạch trang bị thêm tên lửa chống hạm và ngư lôi chống ngầm của Mỹ để biến chúng thành những tàu hộ vệ đúng nghĩa của nó. 
Trong tháng 1-2014, Philippines đã chi ra 4 tỷ peso, mua hai chiếc tàu vận tải của công ty quốc phòng PT PAL - Indonesia (Persero), nhằm nâng cao năng lực đổ bộ, tái chiếm đảo. PT PAL đã đề xuất cung cấp hai chiếc tàu vận tải đổ bộ lớp Makassar (LPDs), với chi phí 3,864 tỷ peso, nằm trong mức ngân sách 4 tỷ peso đã được phê duyệt.
Mới đây, Philippines đã mở các gói thầu mua các tàu hộ vệ mới trị giá 18 tỷ peso. Nỗ lực này đã thu hút sự quan tâm của hàng loạt nhà cung cấp triển vọng từ Italy, Pháp, Hàn Quốc, Ấn Độ... Được trang bị đầy đủ tên lửa và ngư lôi, các tàu hộ vệ này sẽ tăng cường sức mạnh cho 2 tàu tuần tiễu lớp Hamilton hiện đang tuần tra ở Biển Đông. 
Manila cũng đã công bố kế hoạch mua 5 tàu tuần tra từ Pháp với tổng trị giá khoảng 116 triệu USD, cùng với một số tàu hải quân đa dụng cỡ nhỏ từ Hàn Quốc. Tuy kế hoạch viện trợ 10 tàu tuần tra của Nhật Bản đang tạm thời đình đốn nhưng trong lúc tình hình biển Đông đang căng thẳng, nhiều khả năng là Tokyo sẽ có những biện pháp hỗ trợ khác cho Manila. 
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do tập đoàn hàng không Hàn Quốc (KAI) chế tạo
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do tập đoàn hàng không Hàn Quốc (KAI) chế tạo
Chính phủ của Tổng thống Aquino cũng đang tìm mua 1-3 tàu ngầm cũ để cho phép lực lượng hải quân nước này có khả năng tuần tra bí mật tại các vùng lãnh hải Manila đã tuyên bố chủ quyền.
Đầu tháng 1 năm nay, Philippines lên kế hoạch sẽ tuyển 20.000 lính mới trong 3 năm tới nhằm tăng cường khả năng đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Ngàoi ra, họ còn mua sắm các loại vũ khí hạng nặng, thiết bị thông tin liên lạc và chiến đấu ban đêm có kinh phí ước tính khoản 8 tỷ peso.
Cũng trong tháng 1, Bộ Quốc phòng Philippines cho biết họ có kế hoạch sẽ mua các hệ thống tên lửa bờ đối hạm cho lục quân nước này, với chi phí lên tới 6,5 tỷ peso. Ông Patrick Velez, phó chủ tịch ủy ban đấu thầu Bộ Quốc phòng  Philippines cho biết, hệ thống vũ khí đối hạm này sẽ được đặt dưới sự quản lý, giám sát của lục quân.
Tháng 2 vừa qua, Manila tuyên bố sẽ triển khai 4 radar phòng không để giám sát các hoạt động của máy bay Trung Quốc trên biển Đông, sau thỏa thuận mua 3 và thuê 1 hệ thống radar của Israel. Dự kiến, việc bàn giao 3 chiếc radar này sẽ được thực hiện trong 2 năm tới. Trong khi, chiếc cho thuê sẽ được chuyển đến Philippines trong vòng 1 năm.
Ngoài ra, phía Israel còn đề xuất hỗ trợ phát triển hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính và tình báo cũng như bán các trang thiết bị quân sự dư thừa cho Philippines.
Máy bay trực thăng hải quân AW-109
Máy bay trực thăng hải quân AW-109
Ngày 17-3, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố đã phân bổ 5,4 tỷ peso cho kế hoạch mua 2 chiếc máy bay trực thăng tác chiến chống ngầm (ASW) cho hải quân. Hai chiếc trực thăng này sẽ được biên chế cho các tàu tuần tiễu lớp Hamilton mua lại của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ là BRP Gregorio Del Pilar (PF-15) và BRP Ramon Alcaraz (PF-16).
Philippines đã ký một hợp đồng với công ty AgustaWestland thuộc tập đoàn Finmeccanica của Italia, mua 2 chiếc máy bay trực thăng hải quân AW-109 Power, đưa tổng số máy bay trực thăng loại này trong biên chế lực lượng hải quân lên 5 chiếc. Hiện tại, hải quân nước này đã đưa vào hoạt động lô 3 chiếc trực thăng đầu tiên, được bàn giao năm ngoái.
Hợp đồng này nối tiếp sự thành công trong ứng dụng quân sự của mẫu máy bay trực thăng AW-109 Power tại Philippines sau hợp đồng cung cấp 8 chiếc cho lực lượng không quân Philippines năm 2013. Như vậy, hải quân và không quân nước này sẽ sở hữu 13 chiếc trực thăng loại này của AgustaWestland.
Tháng 4 vừa qua, Bộ Quốc phòng Philippines đã cân nhắc khả năng mua các phiên bản tên lửa phòng không tầm trung Raytheon MIM-23 HAWK cải tiến và nâng cấp của Mỹ, để bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa từ trên không và bảo vệ các bệ phóng tên lửa bờ đối hạm (SSM) mà họ có kế hoạch mua cho lục quân Philippines với chi phí 6,5 tỷ peso.
Tổ hợp tên lửa phòng không Hawk-5
Tổ hợp tên lửa phòng không Hawk-5
Manila đang tính toán tăng cường và kết hợp phiên bản nâng cấp của tổ hợp tên lửa phòng không Hawk-5 với hệ thống tên lửa bờ đối hạm trong chương trình SSM, bao gồm 12 bệ phóng và các loại xe kéo, các hệ thống theo dõi và tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không và trên biển.
Tên lửa phòng không HAWK có khả năng đánh chặn và tiêu diệt các loại máy bay có và không người lái, hoặc tên lửa của đối phương có thể gây nguy hiểm hoặc làm vô hiệu hóa hệ thống SSM của lục quân. Số tiền dành cho 2 dự án này sẽ được phân bổ từ chương trình hiện đại hóa các lực lượng vũ trang được quy định trong một đạo luật đã được Tổng thống Aquino ký vào năm 2012.
Nhằm tăng cường khả năng bảo vệ không phận, ngày 21-5, Bộ Quốc phòng Philippines đã bắt đầu triển khai quá trình đấu thầu mua 2 chiếc máy bay tuần tiễu tầm xa (dự kiến mua P-3C Orion), trị giá 5,98 tỷ peso (137 triệu USD) và 6 chiếc máy bay chiến đấu mới với số tiền 4,97 tỷ peso (khoảng 114 triệu USD).
Thời hạn bàn giao 2 chiếc máy bay tuần tiễu tầm xa cho quân đội Philippines là trong vòng 3 năm kể từ khi ký kết hợp đồng, còn bên thắng thầu sẽ phải bàn giao 6 máy bay chiến đấu trong vòng 540 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion
Tháng 6, Hải quân Hàn Quốc tuyên bố sẽ loại biên một chiếc tàu hộ tống lớp Pohang vào cuối năm nay để tài trợ cho Hải quân Philippines. Ngoài ra, Seoul cũng sẽ cung cấp một chiếc xuồng đổ bộ, 16 xuồng cao su và 200 bộ máy tính cho Manila.
Thế nhưng, khoản đầu tư lớn nhất, thể hiện quyết tâm “lột xác” của quân đội Philippines là quyết định đầu tư 420 triệu USD, mua 12 chiếc máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 do tập đoàn hàng không Hàn Quốc (KAI) chế tạo. Phớt lờ sự giận dữ của Bắc Kinh, hợp đồng đã được Manila và Seoul ký kết vào ngày 28-3 vừa qua.
Máy bay FA-50 có thể bay với tốc độ 1.600 km/giờ và tầm bay 1.900 km, được trang bị hệ thống liên lạc chuẩn Link 16, radar xung Doppler EL/M-2032, các thiết bị nhìn đêm, cũng như hệ thống cảnh báo chiếu xạ. FA-50 được trang bị 1 pháo 20 mm và các điểm treo tên lửa/bom có tổng trọng lượng đến 4,5 tấn.
Với hành động quyết tâm “lách luật” đưa quân đội Mỹ trở lại và sự đầu tư mạnh mẽ cho tất cả các quân, binh chủng, người ta có thể nhận thấy, dường như Philippines đang làm tất cả những gì có thể, tập trung hết các nguồn lực trong nước, huy động toàn bộ sức mạnh ngoại lực của các đồng minh để đối phó với Trung Quốc.
Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét