(ĐCSVN) – Sáng 17/6, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đồng chủ trì Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đồng chủ trì Hội nghị cấp cao về phối hợp hỗ trợ phát triển tổng hợp Đồng bằng sông Cửu Long
|
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam Tomoyuki Kimura; Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Pratibha Mehta; các Đại sứ, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm làm rõ những thách thức và cơ hội phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long, khẳng định quyết tâm chính trị các ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam cho khu vực này theo định hướng tổng hợp và bền vững, đồng thời qua đây kêu gọi sự phối hợp hỗ trợ của các nhà tài trợ cho Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện.
Đồng bằng sông Cửu Long với lợi thế cạnh tranh cao về kinh tế nông nghiệp đã đóng góp hơn một nửa sản lượng gạo quốc gia, góp phần đưa Việt Nam nằm trong hàng ngũ các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, có ý nghĩa lớn về mặt phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đối với Việt Nam mà còn với toàn thế giới. Là vùng châu thổ phì nhiêu của sông Mekong, đây cũng chính là khu vực vô cùng phong phú về đa dạng sinh học, là nơi cư trú và điểm dừng chân di cư của nhiều loài chim, cá, có ý nghĩa lớn về bảo tồn dạng sinh học của thế giới.
Mặc dù vậy, có thể nói chưa bao giờ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như các áp lực ngày càng lớn của sự phát triển kinh tế-xã hội còn chưa thực sự bền vững.
Chính vì các lý do trên, khu vực này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế, nhằm mục tiêu đảm bảo đạt được sự phát triển thịnh vượng và bền vững cho vùng Đông bằng sông Cửu Long trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đang ngày càng quan ngại đối với những tác động tiêu cực của biến đối khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Việt Nam là một trong các quốc gia đang và sẽ phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Nhận thức rõ về các thách thức này, cùng với các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Việt Nam đã từng bước hoàn thiện thể chế, triển khai các chiến lược quốc gia về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai; ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng trưởng xanh; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng Ban.
Bày tỏ vui mừng khi thấy các nỗ lực của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đã được sự ghi nhận và ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biển đổi khí hậu và quản lý giữa hai nước, Việt Nam đánh giá cao việc Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện Nghiên cứu “Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long”. Kết quả nghiên cứu cùng với các khuyến nghị là cơ sở để Việt Nam xem xét rà soát, điều chỉnh định hướng, kế hoạch phát triển của khu vực có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, trên thực tế, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của Đồng bằng sông Cửu Long đang được bổ sung, điều chỉnh theo định hướng cơ bản của các nghiên cứu này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết 5 chủ trương ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế-xã hội của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, một là, phát huy cao nhất, tiềm năng, lợi thế so sánh của các địa phương trong vùng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu gắn với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đầu tư có trọng điểm vào một số lĩnh vực có lợi thế so sánh; phát triển các mô hình chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; hình thành mạng lưới tín dụng đa dạng, linh hoạt…
Hai là, phát triển đồng bộ hệ thống các đô thị, khu dân cư và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái gắn với đồng ruộng, miệt vườn, sông nước và biển đảo.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển các lĩnh vực xã hội, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực và giữa các đồng bào dân tộc trong vùng.
Bốn là, phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế-xã hội với sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; có các giải pháp chủ động phòng tránh và ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, an ninh nguồn nước và an ninh lương thực.
Năm là, tiếp cận tổng thể mang tính chất liên vùng và liên ngành trong phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ theo chiều ngang giữa các địa phương và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và chân thành cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan, của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam trong thời gian qua; Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ cho các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, “Chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và quản lý sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA và cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, đóng góp đầy đủ các nguồn lực của mình để triển khai hiệu quả các hỗ trợ của các nhà tài trợ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định, Hà Lan và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm tương đồng như đều là khu vực đồng bằng thấp, mật độ dân số cao và diện tích tương đương. Cả hai bên cũng đang phải đối mặt với những thách thức giống nhau, đó là nước biển dâng, thay đổi dòng chảy và nhiễm mặn. Đó là lý do vì sao 4 năm trước, Việt Nam và Hà Lan đã quyết định hợp tác chặt chẽ tại khu vực này. Vào cuối năm 2013, một tầm nhìn dài hạn đã được đặt ra cho khu vực, với tên gọi Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhấn mạnh lời kêu gọi cùng nỗ lực cho một khung hành động mạnh mẽ để phát triển, Thủ tướng Hà Lan cho rằng, để thành công trong một kế hoạch dài hạn như Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long cần một chiến lược rõ ràng, với những quan điểm đúng đắn về mặt thể chế và tổ chức. Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đã tích lũy được từ hàng nghìn năm nay về nước đối với các vùng đồng bằng châu thổ khác và cũng mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ những cư dân đã sống nhiều thế kỷ ở những khu vực đồng bằng châu thổ khác.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, việc học hỏi lẫn nhau là cách để chúng ta có thể mạnh lên và cần phải có sự nỗ lực chung của cả hai bên. Chúng ta có thể cùng nhau biến lý thuyết thành hành động để khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững để có thể khai thác tối đa tiềm năng của khu vực này.
Tại Hội nghị, các đối tác phát triển cũng khẳng định quan sẽ phối hợp dài hạn với các cơ quan chức năng của Việt Nam nhằm hỗ trợ cho việc phát triển tổng hợp và bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long; bày tỏ tin tưởng về một tương lai phát triển tươi sáng của vùng đồng bằng trù phú này./.
Năm là, tiếp cận tổng thể mang tính chất liên vùng và liên ngành trong phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành cơ chế phối hợp đồng bộ theo chiều ngang giữa các địa phương và theo chiều dọc giữa các cơ quan Trung ương và địa phương.
Trả lờiXóa'Sáu là đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới thể chế, đổi mới phương thức quản lý kinh tế - xã hội, đổi mới nhân sự…'