Chiều nay, HĐXX quyết định cho khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước và yêu cầu cơ quan công an điều tra làm rõ các lời khai của Dương Chí Dũng trước tòa.
Viện kiểm sát bác yêu cầu điều tra lại vụ Dương Chí Dũng bỏ trốn
Dương Chí Dũng: 'Sự thật không giấu được'
Dương Chí Dũng: 'Sự thật không giấu được'
15h20, phiên tuyên án bắt đầu chậm hơn 20 phút so với thông báo của tòa. Thẩm phán chủ tọa Trương Việt Toàn (Phó chánh tòa hình sự) tóm tắt lại nội dung vụ án và lời khai của các bị cáo trong ngày xét xử hôm qua và sáng nay.
Bị cáo Trọng đứng trước vành móng ngựa cùng Vũ Tiến Sơn (48 tuổi, nguyên phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng),Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (29 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng), Đồng Xuân Phong (40 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan Hải Phòng), Trần Văn Dũng (Dũng "Bắc Kạn", 46 tuổi, giang hồ đất Cảng), Phạm Minh Tuấn (53 tuổi, giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng.
Xen kẽ giữa 7 bị cáo là các cảnh sát. Cả 7 cùng bị truy tố về tội Tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài. An ninh từ phía ngoài cổng tòa án với khu vực phòng xử án được thắt chặt.
Ông Dương Tự Trọng vẫy chào mọi người trước khi lên xe thùng sau phiên tuyên án. Ảnh:Quý Đoàn
|
15h50, chủ tọa thông báo trong phiên xử các bị cáo thừa nhận hành vi, riêng ông Trọng không thừa nhận nhưng không phủ nhận lời khai của các bị cáo.
Theo chủ tọa, trước tòa ông Dũng cũng khai đã đưa cho ông Phạm Quý Ngọ 510.000 USD.
Sau khi nghe đề nghị mức án, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án cố ý làm lộ tài liệu công tác đồng thời làm rõ về lời khai số tiền ông Dũng đã khai.
15h55, tòa cho rằng lời khai của các bị cáo phù hợp, không mâu thuẫn với lịch trình trốn truy nã của ông Dũng. Các bị cáo đã có hành vi tổ chức cho ông Dũng trốn ra nước ngoài, vi phạm quy định Điều 275 Bộ luật hình sự.
16h, chủ tọa thông báo lại lời khai của bị cáo Dũng "Bắc Kạn" về việc trưa 8/5/2012, Phong bảo anh ta rằng nếu ông Trọng gọi điện thì nghe máy. 20 phút sau, Sơn gọi cho Dũng và chuyển máy để nói chuyện với ông Trọng. Dũng "Bắc Kạn" nhận được thông điệp: "Mày dám hết mình vì anh không". Sau đó, Dũng "Bắc Kạn" hai lần đến nhà ông Sơn để bàn việc đưa ông Dũng đi trốn.
Dù bị cáo Trọng không thừa nhận nhưng HĐXX nhận thấy bị cáo đã đứng đầu, chủ mưu kế hoạch bỏ trốn. Việc truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật
16h5, theo tòa, việc người tiết lộ thông tin và việc tổ chức bỏ trốn là hai mối quan hệ hoàn toàn khác nhau. Các tài liệu trong hồ sơ đã thể hiện đầy đủ nên không cần thiết trả hồ sơ.
Hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng. Việc ông Dũng trốn trót lọt sang Campuchia đã gây khó khăn cho việc điều tra vụ án ở Vinalines. Nếu không bắt được ông Dũng sẽ tốn kém công sức, tiền bạc của nhà nước. Việc ông Dũng bị bắt lại là nằm ngoài ý thức của các bị cáo.
Theo quy định của pháp luật cả 7 bị cáo phải bị truy tố theo khoản 3, nhưng VKS chỉ truy tố hai bị cáo (Trọng và Sơn) ở khoản này là chưa chính xác.
16h10, ông Trọng là cán bộ công an cao cấp nhưng đã làm sai, gây khó khăn cho công tác điều tra của nhà nước, dù có thành tích trong công tác nhưng cần phải áp dụng mức án cao.
Sơn là người trang bị điện thoại, sim rác nhằm tránh sự phát hiện, cần phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, xem xét bị cáo thành khẩn, động cơ vì tình cảm... nên giảm nhẹ một phần hình phạt.
16h15, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trọng 18 năm tù, Sơn 13 năm, Thắng: 5 năm, Phong 7 năm, Dũng 8 năm,. Ánh 6 năm, Tuấn 5 năm.
Chủ tọa tuyên bố khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước.
16h20, chủ tọa đọc quyết định khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay căn cứ các quyết định về độ tuyệt mật, tối mật trong Công an nhân dân, căn cứ lời khai của các bị cáo và đề nghị của VKS, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu làm lộ nên ra quyết định khởi tố vụ án.
Quyết định được gửi đến VKSND Hà Nội.
Ông Trọng bị cáo buộc làm việc lâu năm trong lực lượng công an nhưng lại chủ mưu tổ chức cho anh trai trốn truy nã. Ảnh chụp qua màn hình: Việt Dũng
|
Theo lời khai, ngày 17/5/2012, cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng sau khi nghe mật báo tin khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã gọi cho ông Trọng (em trai) và được hướng dẫn tạm thời đến trốn tại nhà bạn gái của ông ta.
Ông Trọng bàn với hai người thân tín là Vũ Tiến Sơn (cựu phó Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra các tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng) đến phòng làm việc bàn kế hoạch đưa ông Dũng trốn đi nước ngoài.
Tối 17/5/2012, ông Dũng được người của ông Trọng đón đưa về huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Việc tổ chức đưa ông Dũng trốn ra nước ngoài được Sơn thay mặt ông Trọng giải quyết. Ông Dũng sau đó được đưa vào TP HCM, ra cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang Campuchia rồi tới Singapore. Không xin được visa vào Mỹ, từ Singapore ông Dũng quay lại Campuchia và ở tại đây gần 4 tháng cho tới khi bị bắt (4/9/2012).
Suốt hơn một ngày xét xử, ông Trọng không khai báo nhiều song cho rằng không phải là "ngoan cố" như cách hiểu của đại diện VKS. "Trước toà, vì trí nhớ nên tôi nói không phản đối, không xác nhận. Tôi không thắc mắc gì nhưng không thể vì vậy mà kết luận là ngoan cố được", cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng trình bày.
"Tôi mong xét xử khách quan, đánh giá đúng người đúng tội, mở lượng khoan hồng để những người đứng trước vành móng ngựa có cơ hội làm lại. Cá nhân tôi, tôi chấp nhận chấp hành án", cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng trình bày.
Mai Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét